Tản mạn về thơ Lục bát tả hữu bắt quàng

Trong nền văn hóa dân gian của của dân tộc, mỗi vùng miền ông cha ta đều có sáng tạo kiểu ca dao, hò vè mang tính đặc thù, trong đó có thể ca vè bắt quàng thường để châm biếm chuyện đời…
Văn hóa dân gian thường được truyền miệng nhiều hơn sách vở. Vùng miền nào có người học thức hay có người làm quan thì được chú trọng hơn. Ngày nay nhiều thể thức văn hóa dân gian còn lại dấu tích và được cơ quan chức trách đang thời sưu tập in thành sách trong kho tàng văn hóa Việt. Tuy nhiên có nhiều nguồn văn hóa dân gian đã và đang bị lạc loài, nhất là “văn hóa phi vật thể” do không còn ai biết, nhớ và tôn tạo bảo vệ nó.

Tản mạn về thơ Lục bát tả hữu bắt quàng
Xuân mùa thế lợi sang giàu
Nhà rực hưng thịnh sắc màu vàng mai
Hoa đào phận phước lộc tài
Nồng ấm gia đạo dạn dày nghĩa nhân
Đông về quảng ngại duyên trần
Gầy héo mong đợi tảo tần áo cơm
Xây đắp hạnh phúc khôn hồn
Tình ái say đắm khéo mồm thành tâm
Vinh hiển giống tốt gieo mầm
Ngào ngạt xinh ngát vẻ trăm hoa rừng
Giàu sang lợi thế mùa xuân
Mai vàng màu sắc thịnh hưng rực nhà
Tài lộc phước phận đào hoa
Nhân nghĩa dày dạn đạo gia ấm nồng
Trần duyên ngại quảng về đông
Cơm áo tần tảo đợi mong héo gầy
Hồn khôn phúc hạnh đắp xây
Tâm thành mồm khéo đắm say ái tình
Mầm gieo tốt giống hiển vinh
Rừng hoa trăm vẻ ngát xinh ngạt ngào
Xuân mùa thế lợi sang giàu!
Nhà rực hưng thịnh sắc màu vàng mai
Hoa đào phận phước lộc tài…
……………………………………

Lục bát “Tả hữu bắt quàng” viết theo kiểu “Tắc Ké là mẹ Kỳ Nhông; Kỳ Nhông là ông kỳ Đà; Kỳ Đà là cha Tắc Ké…”. Giống như thể “Lục bát vần lân; lục bát thuận nghịch”, mình viết theo lối nôm na, chủ ý để cập nhật theo thể ca dao bắt quàng của tổ tiên truyền miệng lại, nhằm góp phần làm sống lại nền văn hóa dân gian có khả năng bị mai một. Mặt khác, cũng làm phong phú thêm thể thơ quốc nội và kho tàng Tiếng Việt, bởi nó chỉ có trong tiếng Việt và thơ thuần Việt mà thôi.

Tả, hữu bắt quàng theo cách hiểu trong bài thơ nầy là: Sau khi đọc hết bài thơ chính [trái sang phải] ta bắt đầu đọc tiếp [phải qua trái] và có thể đọc tiếp mãi theo cách bắt quàng.

Khảo sát: Bài thơ MÙA VẬN trên thực tế cho thấy: Từ bài thơ chính chỉ có 10 câu thôi [đọc từ trái sang phải], từ câu thứ 11 là ta đã đọc [phải sang trái] và từ câu 21 trở đi là ta đọc bắt quàng [đọc lại bài thơ chính].

Nhận xét chủ quan sơ đẳng: Tuy là nghệ thuật có nguồn gốc nhân gian nhưng đầy tính nhân văn cội nguồn của dân tộc ta. Bởi khi đọc trái sang phải thì nghĩa thơ khác, đọc phải qua trái nghĩa cùng câu sẽ ngược lại, nhưng vẫn không lạc chủ đề của bài thơ. Về nghĩa cũng diễn đạt giống như bài “Lục bát thuận nghịch”. Xét về kỹ năng, bài thơ cũng dùng từ ngữ giản dị, vẫn theo khuôn khổ và luật bằng trắc bình thường, nên mọi người bất kỳ ai đang chơi thạo thơ lục bát cũng có thể chơi được mà không cần phải thầy thợ hướng dẫn.

Thơ văn chỉ có luật là khuôn mẫu, còn cách chơi thì đa dạng, ai thích dạng nào thì chơi theo dạng ấy không có sự ràng buộc nào cả. Bài viết chỉ giới thiệu một cách chơi lục bát mang tính văn hóa dân tộc để các bạn yêu thơ lục bát tham khảo về khía cạnh của nền văn hóa cội Việt. Bạn nào thích thì làm vài bài nhằm tạo sắc màu cho trang thơ của mình cũng nên. Mong được sự hưởng ứng và đóng góp của các bạn để mình hoàn thiện thể thức chơi thơ cội nguồn nhằm làm xanh thêm nên văn hóa dân tộc.

Kính chúc các bạn mùa xuân yêu thương và luôn thành công trong cuộc sống./

Trọng Ưu Huỳnh
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Scroll to Top