Tản mạn về Ngũ Độ Thanh (thơ Luật Đường)

Thời gian từ 2013 đến nay trên các Hội, Trang thơ xuất hiện nhiều thơ luật đường viết theo lối “Ngũ độ thanh” (NĐT). Nhiều người cho rằng đây là thể thơ mới, là sự cách tân của thơ đường. Có người thì liệt thể thơ NĐT vào tiêu chí của một đẳng cấp cao dành cho người sành chơi thơ Đường Luật. Thực tế có thể thừa nhận là một cao trào hấp dẫn từ khi thơ Đường du nhập vào Việt Nam.

Tản mạn về Ngũ Độ Thanh (thơ Luật Đường)

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN:
Vài kĩ năng Cảm & Bình thơ Đường
Điều kiện để bài thơ Đường đạt chuẩn và đối thanh
Thể thức Đối – Họa trong Xướng – Họa thơ Đường

Nhà ai đã chuẩn gọi chơi sành
Thể mốt khêu đàn sĩ cạnh tranh
Ý dụng khuôn tròn gia ngữ cảnh
Từ không bất luận bỏ câu trành
Chơi thuần bảy chữ rà so sánh
Đạt nhiễn năm vần thủ đối thanh
Tạo thú ươm vườn khi rỗi rảnh
Hồn yêu thẩm mĩ trí năng hành!

Theo nghiên cứu nhiều nguồn thông tin cho thấy, về nguồn gốc NĐT có từ thời Trung Hoa cổ đại, có thể trước cả “Thơ Đường luật”. Theo lịch sử TQ, vào thời của HÁN VŨ ĐẾ trước Công nguyên. HÁN VŨ ĐẾ là người rất yêu thơ ca và nhạc, nên ông đã sáng lập một cơ quan gọi là NHẠC PHỦ. Nhiệm vụ của NHẠC PHỦ là sưu tầm và phát triển thể thơ văn có vần, điệu để có thể phổ nhạc được. Bài nào được chọn thì gọi là “Nhạc Phủ khúc”, hoặc “Thơ Nhạc Phủ”. Cũng từ đó đến hết đời nhà Đường NHẠC PHỦ chi phối cả bầu trời THI VĂN Trung Hoa. Đến thời Nam Bắc triều (420-589) trở về sau vì các điệu nhạc mới ở nước ngoài du nhập nhiều, nên NHẠC PHỦ không còn thích hợp nữa. Thơ Đường NĐT được ra đời trong hoàn cảnh đó và chìm lắng thời Nam Bắc triều.

NGŨ ĐỘ THANH là gì? Làm thế nào để sáng tác bài thơ NĐT?

Chúng ta có thể hiểu một cách giản dị: Đó là một bài Thất ngôn bát cú Đường luật. Khi sáng tác NĐT, ta cần chú ý yêu cầu và đặc điểm sau đây:
– Tuân thủ theo khuôn khổ nghiêm nhặt của một bài thơ Đường Luật, Vì gốc của nó phải có tính nhạc, âm hưởng luôn phải trầm bổng nên NĐT không áp dụng “Biệt Lệ”, (Nhất, tam, ngũ bất luận).
– Bài thơ phải gọt tỉa sạch lỗi bệnh; không điệp từ, điệp vận trong cả bài thơ. Trừ trường hợp bài thơ vừa là “thể NĐT vừa là Thủ Vĩ Ngâm”… thì cho phép điệp câu.
– Trong một câu 7 chữ, nếu có 3 chữ thanh trắc, thì sẽ có 4 chữ thanh bằng. Cách bố cục cho 3 chữ thanh trắc nhất thiết phải mang 3 dấu khác nhau trong các dấu ( sắc, hỏi, ngã, nặng); còn lại 4 chữ thanh bằng lúc trình bày 2 chữ liền kề không được cùng dấu, có nghĩa chữ trước có dấu (thanh huyền) thì chữ đứng sau phải không mang dấu (thanh không), hoặc ngược lại. Theo cách trình bày như vậy trong 1 câu có đủ 5 thanh gọi là NĐT. Thí dụ:

Dùng thơ bất luận bỏ câu trành
Chơi thuần bảy chữ rà so sánh

(Luôn nhớ rằng: câu thành là câu sạch lỗi bệnh, ko điệp từ, điệp vận, điệp ý; cặp từ hoặc từ đứng cận kề ko trùng dấu. Năm từ tạo âm điệu khác nhau để khi đọc phát ra NĐT).
– Trong câu 7 chữ nếu có 4 chữ thanh trắc, thì đương nhiên phải đủ cả 4 dấu (sắc, hỏi, ngã, nặng), còn lại 3 thanh bằng vẫn sắp xếp như câu trên, đương nhiên câu này cũng đủ 5 thanh, NĐT. Thí dụ:

Thể mốt khêu đàn sĩ cạnh tranh
Luyện ý trau từ thông ngữ cảnh

(Các từ đứng trước hay sau niêm, vận đều không dùng bất luận. Cả 7 chữ trong câu đều dùng từ đúng nghĩa, ko dùng kết từ …).
Từ các thí dụ trên cho thấy, nếu điệp từ hay dùng “bất luận” thì câu thơ sẽ không tạo âm điệu trầm bổng và tính nhạc du dương….

Thực ra bài thơ NĐT nếu thông hiểu Luật Thơ, và thỏa mãn các điều kiện nêu trên thì ai cũng có thể làm được, còn hay dở thì tùy thuộc năng lực người chơi. Nhưng với người chơi thơ Đường Luật chưa chuẩn khi chơi NĐT có thể gặp khó khăn nhiều hơn (vì phải chỉnh lý nhiều thứ “Niêm, vận, đối” lại phải thêm các điều kiện của NĐT nữa, chưa tính các lỗi bệnh khác…). Đối với người có kiến thức rộng, chơi thơ thông thạo, lành nghề không có gì gọi là khó. Còn xét về giá trị thể NĐT nếu được làm đúng chuẩn sẽ là bài thơ đẳng cấp.

Chơi thể Ngũ Độ Thanh chúng ta có thể rút ra được kinh nghiệm gì?

Mặt được có mấy điểm cơ bản: Thể NĐT nếu được hoàn thiện, có đối thanh thì luôn mang tính nhạc nên khi đọc thành tiếng sẽ nghe âm điệu lúc trầm lúc bổng mượt mà êm tai hơn. Thể thơ nầy có thể dùng phổ nhạc cho thời kỳ hiện đại; NĐT cũng giúp chúng ta mở rộng kiến thức và cả năng lực sáng tác; Về hình thức NĐT sẽ góp thêm màu sắc, tính thẩm mĩ trong vườn thơ của mỗi cá nhân, CLB, Hội thơ và tạo điều kiện, tiêu chí mở rộng giao lưu thơ với bạn bè cả 5 châu.

Tuy nhiên, chơi thể NĐT chưa quen thì bài thơ dễ bị gò ép, cứng nhắc bởi dùng câu, từ, đối… nếu chơi chưa thuần hoặc kiến thức kém thì dễ bị khiếm khuyết như: dụng chữ sẽ tối nghĩa và đối câu, đối vế dễ lệch chuẩn.

Chơi NĐT xét về tính nghệ thuật thì nó gần gũi với nền văn hóa TÀU nhiều hơn VIỆT bởi một lý do rất đơn giản: Vì Chữ TÀU hay dùng từ ĐƠN nhiều hơn còn văn hóa thuần VIỆT dùng cho văn học luôn phải dùng từ kép, mĩ từ, mĩ ý, phương ngữ, từ láy, có khi dụng cả ca dao tục ngữ… Tuy nhiên với bạn dùng thạo tiếng việt thì việc dùng từ khi sáng tác thể NĐT vẫn phong phú, thú vị và hưng phấn hơn.

Thí dụ các từ không thể dùng trong NĐT như: Mĩ mãn, dàu dàu, sè sè, rì rào, thì thầm, ngẫm nghĩ, sắc thái, lóng lánh, róc rách, tí tách, ngọt lịm; yêu đương, mân mê, vân vê, ngâm nga, bâng khuâng, long lanh, , ban mai, bình minh, dĩ vãng, quá khứ, hiện tại, tương lai, trong veo, vô tư, vinh danh, tôn vinh, vinh quang, độc lập, trí thức và hằng nghìn từ hoa mĩ trong kho tàng ngôn ngữ thuần VIỆT không thể dùng được trong NĐT.

Vậy, thể thơ Đường viết theo lối NĐT là thể thức để tô vẽ thêm sắc màu cho vườn thơ VIỆT, nên đương nhiên có mặt tích cực của nó, nhưng vẫn đan xen những hạn chế chứ không phải chỉ là đẳng cấp tuyệt đỉnh như một số người từng nghĩ. Chúng ta ai cũng có thể thích và chơi để thỏa mãn nghệ thuật, nâng tầm tri thức và hòa vào thể mốt thời đại, nhưng không nên thần tượng hóa, hoặc xem nó là tiêu chí cao siêu của thơ VIỆT, cũng không nên lấy NĐT làm phương tiện cách tân THƠ ĐƯỜNG VIỆT…

Đây chỉ là thiển ý của kẻ chơi thơ hạng ruồi, vô danh trong làng thơ ca. Bài viết chỉ nêu những vấn đề cơ bản nhằm phục vụ cho các bạn mới tìm hiểu để học chơi thể NĐT. Nếu có sai sót mong các bạn tha thứ và chỉ giáo.
Chúc các bạn ngày nghỉ cuối tuần có thêm niềm tin lạc quan để sống vui với thơ & đời./

Trọng Ưu Huỳnh
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Scroll to Top