Suy ngẫm đạo lý của người xưa, con người đã chú trọng đến nghệ thuật khen chê. Theo đạo lý của Tuân Tử, một học giả thời cổ đại Trung Quốc: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy.”
Từ tư tưởng nầy, chúng ta ngầm hiểu rằng, nghệ thuật khen chê của người xưa vừa thâm sâu, vừa dễ hiểu, ai cũng có thể làm được. Bởi khi chê đơn giản là phải chê đúng lỗi, đúng chỗ, đúng lúc và người chê phải thấy được đâu là sai, đâu là dở của người mình chê, để từ đó mới chỉ ra được hướng khắc phục cho họ. Rõ ràng người chê phải hoàn toàn xứng đáng làm thầy ta, bởi vì họ hiểu biết hơn ta. Trong cuộc sống nếu không có những người thầy như thế chúng ta không thể nào tiến bộ.
Bình nghị chung về khen chê, chúng ta có thể suy luận: người xưa khuyên đời khi khen, đừng tâng bốc quá trớn, hay khen theo kiểu nịnh bợ, sẽ dẫn dắt người được khen sống tự đắc, ảo tưởng viễn vông. Khi chê người, cũng đừng chê bằng lời chỉ trích, cử chỉ nhục mạ, chê bỏ ghét, chỉ chê không có mở lối khắc phục cho họ. Như vậy người được chê càng cục bộ, tự ti, mặc cảm và nảy sinh mâu thuẩn trong mối quan hệ. Khen chê theo người xưa phải từ lòng chân thành, trân trọng, giúp nhau cùng tiến bộ. Dù là tư tưởng cổ đại nhưng người hiện đại lẩn quẩn hằng mấy chục thế kỷ mãi vẫn chưa vận dụng thông suốt hai chữ, “khen và chê”.